Những HDV… mơ hồTheo kết quả điều tra của Dự án phát triển nguồn nhân lực Việt Nam,
mỗi năm có khoảng 22.000 hồ sơ nhập học tại các cơ sở đào tạo ngành du
lịch từ trung cấp đến CĐ-ĐH, nhưng vì sao đến mùa cao điểm, các công ty
lữ hành lại “khát” HDV?
Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành tư nhân cho biết: “Thật lòng,
chúng tôi chỉ dám giao tour cho những HDV lâu năm, có uy tín. Những HDV
mới, dù có bằng ĐH đàng hoàng vẫn không đáp ứng được yêu cầu công
việc. Chỉ vào những mùa cao điểm như Tết, lễ, nguồn HDV giỏi cạn, cực
chẳng đã chúng tôi mới giao tour cho HDV mới ra trường. Mỗi khi giao
tour kiểu này, bộ phận điều hành ở nhà lo sốt vó, có khi còn phải phân
công người trông chừng…”.
Ông Nguyễn Minh Mẫn – Trưởng phòng Truyền thông Công ty Vietravel
liệt kê các điểm yếu của HDV mới ra trường: “Họ thiếu cả kiến thức
chuyên môn cũng như xã hội; hiểu biết về ngành du lịch còn mơ hồ; văn
hóa giao tiếp và cách ứng xử, xử lý tình huống đều chưa đạt; ngoại ngữ
cũng chưa vững để làm việc; thiếu cả sự tự tin và bản lĩnh. Mỗi khi
nhận một HDV mới tốt nghiệp vào làm việc, Vietravel phải tái đào tạo từ
ba – sáu tháng”.
Thực tế trên đường tour, sự yếu kém của HDV đã để lại nhiều chuyện
cười ra nước mắt. Đoàn khách khởi hành vào lúc 3g sáng. Thay vì để
khách nghỉ ngơi, HDV cứ nhiệt tình đòi tổ chức trò chơi cho khách
vui. Trò chơi như sau: lấy tên của một vị khách bất kỳ trên xe, thí dụ
như tên Tân, sau đó cả xe sẽ nghĩ thêm hai từ bắt đầu bằng chữ “T” nữa
để thêm vào tên đó thành một cụm từ có nghĩa, chẳng hạn như “Tân túng
tiền”, “Lan lầm lỡ”… Dù nhiều người đã nhắc khéo, HDV cứ ra rả lấy hết
tên người này đến tên người khác ra làm trò cười. Khoảng một tiếng sau,
chịu hết nổi, một vị khách lớn tuổi trên xe đứng lên nói: “Tôi yêu cầu
anh đừng đùa giỡn cái tên mà cha mẹ đặt cho chúng tôi nữa”. Một đoàn
khách giáo viên đã gọi điện phản ứng với công ty lữ hành khi HDV trên
xe cứ thao thao thuyết minh Trần Hưng Đạo đã chỉ huy trận… Rạch Gầm –
Xoài Mút. Có HDV còn không thuộc cả đường từ khách sạn đến các điểm
tham quan, thuyết minh thì lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia… khách phản
ứng chỉ biết cười trừ “dạ, thông cảm, tại em mới đi tour này lần đầu”.
Không chỉ bị đánh giá thấp bởi các đơn vị lữ hành, bản thân các SV
ngành hướng dẫn cũng rất thiếu tự tin. Đ.X.H. – SV năm thứ tư, Trường
ĐHDL V.H. cho biết: “Dù sắp ra trường nhưng đa phần SV tụi em vẫn cảm
thấy không đủ kiến thức thực tế để đảm nhận công việc. Bốn lần trường
tổ chức đi tour thực tập trong cả bốn năm học là quá ít”. Tâm sự về
những ngày đầu mới vào nghề của mình, một HDV kỳ cựu cho biết: “Lớp tôi
ngày xưa có gần 100 SV, nhưng đến giờ (bảy năm sau khi tốt nghiệp) chỉ
còn ba người theo được nghề. Nói thật, bốn năm ĐH với gần cả trăm môn
học, nhưng tôi thấy chỉ có khoảng 10 môn là có giá trị thực tiễn cho
nghề nghiệp. Lúc mới ra trường, không đủ kinh nghiệm để đi tour người
lớn, tôi phải lăn lộn vài năm, vừa kiếm sống, vừa tích lũy kinh nghiệm
bằng cách dẫn tour cho… các bé mầm non”.
Dẫn tour cho các bé mầm non là cách nhiều HDV mới ra trường
chọn để rèn luyện bản lĩnh – Ảnh chỉ mang tính minh họaTuyển giảng viên qua… bữa nhậuBà Võ Thị Cẩm Nhung – một giảng viên uy tín trong ngành đào tạo HDV
lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: “Đa phần, khi chọn ngành
học, các SV đều có những ảo tưởng về nghề HDV như công việc nhàn, có cơ
hội đi đó đi đây… Khi va chạm với thực tế khắc nghiệt của nghề, SV
thường vỡ mộng và không kịp thích nghi. Hơn nữa, phần lớn SV đều thiếu
siêng năng và ý thức tự lập, tự rèn luyện, cả kiến thức lẫn kỹ năng.
Suốt bốn năm ĐH, có bao nhiêu SV một lần đặt chân đến thư viện của
trường, có bao nhiêu SV về nhà tự rèn luyện lại những kỹ năng thuyết
minh, hoạt náo học được trên lớp?…
Lý do còn lại nằm ở việc giảng dạy của các trường. Cùng một bậc ĐH
của ngành HDV, mỗi trường lại có một chương trình đào tạo khác nhau. Có
môn trường này dạy, trường khác không dạy; có môn trường này dạy 120
tiết, trường khác chỉ dạy 40 tiết… Các tour thực tập tổ chức cho SV
cũng chỉ mang tính “cưỡi ngựa xem hoa”, ít khi được các giảng viên kinh
nghiệm hướng dẫn mà chỉ do trường thuê lại các công ty du lịch tổ
chức. Vì vậy, các tour thực tập thường biến thành những buổi đi chơi
bình thường. Hầu hết các trường đều chưa chú trọng bổ sung kỹ năng mềm,
kiến thức xã hội cho SV”.
Ngoài chuyện giảng viên chủ yếu là thỉnh giảng khiến các trường bị
động và lúng túng trong công tác giảng dạy thì đặc biệt, với hệ tại
chức, chất lượng đào tạo HDV bị buông lỏng đến mức không ngờ. N.H. –
một cựu HDV đã chuyển sang công việc bán tour, kể về quá trình trở
thành “giảng viên ĐH” của mình như sau: “Tôi tiếp xúc với Trưởng khoa
Du lịch của trường ĐH C.T. để thương lượng ký hợp đồng tổ chức tour
thực tập cho các SV du lịch của trường. Sau vài lần nói chuyện điện
thoại, tôi và thầy trưởng khoa hẹn gặp nhau tại một cuộc nhậu và thầy
ngỏ ý nhờ tôi dạy giúp bộ môn
Nghiệp vụ hướng dẫn cho một lớp
SV tại chức của trường ở tỉnh A.G. trong một tuần. Muốn thầy vui lòng
để dễ ký hợp đồng, tôi liều nhận đại, dù chưa hề giảng dạy lần nào, chỉ
có kinh nghiệm tích lũy từ thời làm HDV.
Nghiệp vụ hướng dẫn là một trong những môn tối quan trọng của ngành HDV, mà trường nhận
giảng viên chỉ qua một bữa nhậu, cũng chẳng cần phải kiểm tra giấy tờ
hay bằng cấp gì cả. Sau khi nhận lời, tôi tự dạy, tự cho đề thi, tự gác
thi, tự chấm điểm, không một ai kiểm tra công việc của tôi. Trường chỉ
nhận bảng điểm thi tôi gửi qua email, vô điểm cho SV là xong”.
Nhiều môn quan trọng như
Tuyến điểm du lịch (dạy HDV thuyết
minh về tất cả các tuyến du lịch và các điểm tham quan từ Bắc chí Nam)
cũng bị giảng viên của các trường rút ngắn, dạy trong một thời gian
không tưởng: hai ngày!
Người ta thường ví HDV là “linh hồn” của một tour, nhưng với việc
dạy và học như hiện nay, chất lượng của những “linh hồn” này sẽ còn
tiếp tục bấp bênh.