Từ ngày 20-25/6/2011 tại Luang Prabang - Lào, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hoàng Thị Điệp đã dự Phiên họp Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 34 (ASEAN NTOs 34) và tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác.
Đây là Phiên họp đầu tiên nhằm triển khai Chiến lược du lịch ASEAN giai đoạn 2011-2015 đã được Bộ trưởng Du lịch các nước ASEAN thông qua tại Diễn đàn Du lịch ASEAN tháng 1/2011 tại Campuchia.
Tại Hội nghị lần này, ngành du lịch các nước ASEAN đã thảo luận việc triển khai Chiến lược Du lịch ASEAN giai đoạn 2011-2015 và tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần thứ 19 (ASEAN+3), Họp tham vấn ASEAN + Ấn Độ lần thứ 7, ASEAN + Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC), nhằm huy động các nguồn lực cho việc triển khai chiến lược này.
Định hướng hợp tác phát triển du lịch ASEAN thời gian tới (trên cơ sở thảo luận, thống nhất tại Hà Nội, tháng 4/2011):
- Về huy động nguồn lực tài chính và con người cho việc triển khai Chiến lược du lịch ASEAN giai đoạn 2011-2015: Nhằm đảm bảo nguồn lực tối thiểu triển khai các hoạt động cơ bản của Chiến lược Du lịch ASEAN, các nước ASEAN thống nhất sẽ tăng mức đóng góp niên liễm tối thiểu của mỗi nước từ 10.000 USD/năm lên 20.000 USD/năm; tăng mức đóng góp bằng hiện vật trên cơ sở các sáng kiến, dự án hợp tác chung cụ thể và các nước có ngành du lịch phát triển hơn sẽ xem xét đóng góp nhiều hơn. Đồng thời, Hội nghị cũng thảo luận về khả năng huy động thêm nguồn kinh phí cho Quỹ hợp tác du lịch ASEAN qua việc tổ chức Hội chợ Du lịch ASEAN (TRAVEX) hay vận động các nước đối tác, các tổ chức quốc tế tài trợ.
- Về chiến lược marketing du lịch ASEAN giai đoạn 2011-2015: "Đông Nam Á: Cảm nhận sự ấm áp" sẽ là tiêu đề và biểu tượng của Du lịch ASEAN giai đoạn 2011-2015. Do hạn chế nguồn lực và kinh phí, quảng bá trực tuyến/điện tử sẽ là kênh phân phối chính của chiến lược marketing giai đoạn này; sẽ xây dựng các biện pháp đánh giá thành công và tác động của Chiến lược marketing tới du lịch các nước ASEAN. Về chiến lược sản phẩm, một cấu phần quan trọng của chiến lược marketing, du lịch văn hóa di sản, du lịch dựa vào tự nhiên, du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch tàu biển và du lịch sông nước sẽ là 4 loại hình sản phẩm được tập trung quảng bá trong thời gian tới. Chiến lược giá sản phẩm, vấn đề mùa vụ du lịch và sự khác biệt của sản phẩm du lịch ASEAN với các khu vực khác sẽ tiếp tục được xem xét trong các phiên họp sau.
- Về nâng cao chất lượng du lịch ASEAN: Tiến tới mục tiêu xây dựng các sản phẩm du lịch của ASEAN đạt chất lượng cao, đưa ASEAN trở thành điểm đến chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch ASEAN so với các khu vực khác, trong thời gian tới, ASEAN sẽ xây dựng các tiêu chuẩn du lịch chung, gồm: Tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng ASEAN (public toilets), Tiêu chuẩn thành phố du lịch sạch ASEAN (clean tourist city), Tiêu chuẩn hướng dẫn viên du lịch ASEAN (tourist guide), và Tiêu chuẩn dịch vụ làm đẹp ASEAN (wellness spa). Đồng thời, xem xét điều chỉnh, bổ sung Tiêu chuẩn du lịch ở nhà dân ASEAN (homestay), Tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN (green hotels). Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thêm Tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN, các nước thống nhất sẽ tổ chức Lễ trao giải Khách sạn xanh ASEAN năm 2012-2013 nhân dịp Diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 sẽ diễn ra tại Inđônêxia. Và hướng tới xây dựng Tiêu chuẩn hướng dẫn viên du lịch quốc tế ASEAN, các nước nhất trí sẽ xem xét tổ chức Hội thi hướng dẫn viên du lịch quốc tế ASEAN thường kỳ, 2 năm 1 lần. Inđônêxia đăng cai tổ chức Hội thi lần thứ nhất nhân dịp Ngày du lịch Thế giới, tháng 9/2011 tại Inđônêxia.
- Về xây dựng sản phẩm du lịch ASEAN: Hội nghị nhất trí thông qua việc thành lập các Tiểu nhóm công tác sản phẩm, trong đó, Việt Nam là nước điều phối về sản phẩm du lịch đường sông. Hội nghị yêu cầu các Tiểu nhóm xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, đưa ra thảo luận tại Phiên họp Nhóm Công tác sản phẩm du lịch lần thứ 2 tại Brunây tháng 10/2011 và trình thông qua tại Diễn đàn Du lịch ASEAN 2012.
- Về triển khai Thỏa thuận công nhận nghề du lịch lẫn nhau trong ASEAN: Ban Thư ký ASEAN thông báo Úc cam kết hỗ trợ các nước ASEAN xây dựng “Khung đào tạo nghiệp vụ buồng khách sạn” (Toolbox for Housekeeping) và bày tỏ thiện chí hỗ trợ cho ASEAN xây dựng toolbox cho 5 phân ngành còn lại. Ban Thư ký Ủy ban Giám sát nghề du lịch ASEAN (ATPMC) cũng được thành lập để điều phối và theo dõi việc thực hiện thỏa thuận này.
Hợp tác du lịch giữa ASEAN với các nước đối tác:
ASEAN đề nghị các nước đối tác nghiên cứu, xem xét để các hoạt động hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau theo định hướng xác định trong Chiến lược Du lịch ASEAN giai đoạn 2011-2015, tập trung vào chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch có trách nhiệm và bền vững, quy hoạch du lịch; trao đổi thông tin, dữ liệu, thống kê, nghiên cứu thị trường, chính sách và cơ hội đầu tư du lịch; hỗ trợ, thúc đẩy và khuyến khích kinh doanh, xúc tiến quảng bá, quản lý thông tin đối phó với khủng hoảng; tạo thuận lợi đi lại và thúc đẩy trao đổi khách; hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Khẳng định Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ sẽ tiếp tục là những thị trường nguồn quan trọng, Trung Đông là thị trường tiềm năng mà ASEAN cần tập trung khai thác, nhằm xây dựng mối quan hệ đối tác du lịch chặt chẽ giữa các nước thành viên ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, các bên thống nhất sẽ ký "Biên bản hợp tác giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa, Nhật Bản và Cộng hòa Hàn Quốc về tăng cường hợp tác du lịch" và “Bản ghi nhớ giữa Chính phủ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Chính phủ Cộng hòa Ấn Độ về tăng cường hợp tác du lịch” nhân dịp Diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 tại Inđônêxia tháng 01/2012.
Với các nước Vùng Vịnh (GCC): hai Bên nhất trí về những lĩnh vực có nhiều khả năng hợp tác trong thời gian tới là đầu tư du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, quy hoạch phát triển du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch. Hai Bên cũng nhất trí đề nghị Ban Thư ký của ASEAN và GCC trao đổi thêm, đưa ra những hoạt động hợp tác du lịch cụ thể. Trong ASEAN, các nước Thái Lan, Inđônêxia và Singapore mỗi nước đón khoảng 80.000 lượt khách GCC/năm. Các nước ASEAN đề nghị các nước Tiểu vương quốc Ả rập hỗ trợ ASEAN thành lập Chi hội Xúc tiến Du lịch ASEAN tại Dubai.
Với những định hướng hợp tác du lịch cho giai đoạn tới, kết hợp tăng cường thúc đẩy làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác du lịch với nước đối tác truyền thống, mở rộng hợp tác du lịch với các đối tác tiềm năng mới, ngành Du lịch các nước ASEAN sẽ thực hiện thành công Chiến lược Du lịch ASEAN giai đoạn 2011-2015, đưa ASEAN trở thành điểm đến thân thiện với môi trường, an toàn, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao trên trường quốc tế.
Một số hình ảnh tại Hội nghị: