Chém, giết vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt
Trong những năm gần đây, tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Vinh đang có những diễn biến phức tạp. Sự đô thị hoá nhanh đã kéo theo sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là tình trạng tội phạm cố ý gây thương tích với nhiều thủ đoạn manh động, trắng trợn, liều lĩnh, côn đồ, bất chấp đạo lý và pháp luật.
Đặc biệt, các mâu thuẫn này đều được các đối tượng sử dụng hung khí như dao, kiếm, mác, gậy gộc và gần đây là cả súng để giải quyết, gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng. Chỉ tính trong 5 năm, từ 2005 - 2009, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 584 vụ cố ý gây thương tích với 868 đối tượng, trong đó số đối tượng gây án có độ tuổi từ 18 - 30 tuổi chiếm tới 63,73%.
Công an TP Vinh bắt giữ đối tượng trong vụ cố ý gây thương tích
Nhiều người hẳn còn nhớ vụ “dằn mặt” thầy giáo do Nguyễn Hoàng Khánh (SN 1990), trú tại khối Tân Tiến, phường Lê Mao, TP Vinh, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Hà Huy Tập thực hiện vào năm 2008 khiến cho nhiều học sinh và giáo viên phải bàng hoàng. Nghĩ người yêu bị thầy giáo theo đuổi, Khánh đã rủ thêm 3 đối tượng khác đón đường, chờ cho thầy giáo Nguyễn Phi Hải, giáo viên dạy Toán Trường THPT Lê Viết Thuật về rồi chém thầy Hải trọng thương.
Gần đây, không chỉ dùng dao, kiếm nói chuyện, số thanh thiếu niên hư hỏng ở thành phố còn sử dụng tới cả súng để giải quyết mâu thuẫn. Mới nhất là hai vụ việc cùng xảy ra tại khối 1, phường Cửa Nam trong vòng một tháng khiến một người chết, một người bị thương. Khoảng 23 giờ ngày 5/7/2010, 5 đối tượng đi trên 2 xe máy đã dùng súng săm lét bắn chết anh Trần Nhất Thắng (SN 1980), trú tại khối 1, Cửa Nam khi anh này đang ngồi chơi trên vỉa hè gần nhà chỉ vì những mâu thuẫn trước đó của nhóm này với số thanh niên khối 1, Cửa Nam.
Hung khí trong một vụ án
Gần một tháng sau, cũng tại nơi này, trong khi đi ăn tối cùng bạn, anh Trần Nhật Tân (SN 1980) ở An Hoà - Quỳnh Lưu cũng bị một nhóm thanh niên dùng súng Săm lét bắn trúng đầu khiến anh bị thương. Nguyên nhân rất đơn giản, hai nhóm thanh niên có mâu thuẫn với nhau hẹn ra giải quyết và anh Tân là nạn nhân bị bắn… nhầm.
Trước đó, trên địa bàn thành phố cũng đã xảy ra nhiều vụ bắn súng tương tự giữa các nhóm thanh niên như vụ việc xảy ra hồi 21 giờ 30 phút ngày 11/5/2009 tại ngã tư chợ Vinh. Do mâu thuẫn, 9 đối tượng do Nguyễn Bá Vinh (SN 1987), trú tại khối 11, phường Lê Lợi cầm đầu đã dùng dao, kiếm và súng bắn đạn hoa cải nã vào đối thủ khiến anh Nguyễn Văn Thiện và Phan Đức Xuân đều trú ở Cửa Nam bị thương tích nặng.
Hay gần đây, lúc 23 giờ ngày 29/4/2010, tại quán cháo đêm ở phường Lê Lợi, Lê Quốc Hùng (SN 1992), trú tại khối 17, phường Hà Huy Tập và Lê Văn Mạnh (SN 1990), trú tại khối Quang Tiến, phường Vinh Tân đã đi xe máy, bịt khẩu trang dùng súng săm lét bắn anh Nguyễn Văn Nam (SN 1988), trú tại xóm 23, xã Nghi Phú bị thương.
Đi tìm nguyên nhân và giải pháp
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc gia tăng tình trạng thanh thiếu niên sử dụng hung khí, súng đâm chém nhau trong thời gian gần đây trước hết là do bị ảnh hưởng của môi trường sống. Sự phát triển của xã hội đã đem đến nhiều mặt trái ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của lớp thanh thiếu niên mới lớn như phim ảnh, băng hình của nước ngoài có nội dung bạo lực mang tính kích động cao.
Với lứa tuổi này, do chưa có kinh nghiệm sống nên sự tác động của môi trường đối với họ là rất phức tạp, dễ bị ảnh hưởng của các mặt tiêu cực, từ đó hình thành nhân cách không hoàn thiện. Thêm vào đó là sự thiếu kiềm chế trước các mâu thuẫn, sự nóng nảy, hiếu thắng muốn thể hiện sức mạnh bạo lực, thể hiện vai trò đàn anh trong mắt bạn bè.
Một bộ phận thanh niên bỏ học không có việc làm, gia đình lại bỏ mặc không quản lý giáo dục nên gặp bạn bè xấu rủ rê rồi tụ tập thành nhóm và thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cũng phải nghiêm túc nhìn nhận rằng, trong việc quản lý xã hội, chúng ta chưa đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng, phức tạp của tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội trong thời kỳ mới để đề ra những chủ trương, biện pháp đấu tranh phù hợp.
Công tác phòng ngừa trong các gia đình, nhà trường và xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Công tác phối hợp giữa các ngành, các tổ chức, đoàn thể xã hội chưa được đồng bộ.
Về phía cơ quan chức năng cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Thực tế cho thấy, quá trình điều tra, xử lý loại tội phạm này rất khó khăn. Sau khi vụ án xảy ra, cơ quan công an tiến hành điều tra, bắt giữ đối tượng nhưng lại phải chờ người bị hại ra viện để trích sao bản án, trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật.
Nếu hết thời hạn tạm giữ tối đa 9 ngày mà người bị hại chưa có tỷ lệ thương tật thì chưa có căn cứ để khởi tố đối tượng nên buộc phải trả tự do cho đối tượng. Nhiều vụ vì lý do nào đó, người bị hại từ chối đi giám định, rút đơn không đề nghị xử lý nữa nên cũng không có căn cứ để xử lý đối tượng, dẫn đến việc xem thường kỷ cương, pháp luật.
Để hạn chế tình trạng này, trong thời gian tới, các cấp ngành, cơ quan liên quan cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục nhân cách cho thanh thiếu niên qua việc tăng cường hướng dẫn kỹ năng sống cả trong và ngoài nhà trường. Cha mẹ, nhà trường phải là nơi gần gũi để bồi dưỡng đạo đức cho con cái, học sinh.
Bên cạnh đó, cũng phải nâng cao vai trò quản lý của các cấp chính quyền cơ sở, phải nắm bắt nhanh mâu thuẫn để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Các ngành chức năng như Công an, Toà án, VKS cần phối hợp, tăng cường xét xử lưu động để tuyên truyền pháp luật, răn đe phòng ngừa tội phạm và nâng cao ý thức pháp luật trong quần chúng nhân dân.
Mở rộng các hình thức giáo dục bồi dưỡng kiến thức pháp luật nói chung cho mọi tầng lớp nhân dân để mọi người hiểu và làm theo, thực hiện đúng nhằm giảm thiểu những hành vi vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội. Và quan trọng hơn là việc nắm tình hình và giải quyết vụ việc ngay tại cơ sở, củng cố sự đoàn kết thân ái trong nhân dân, xây dựng lối sống văn minh mình vì mọi người, mọi người vì mình.