Cổ Thạch thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) được nhiều người mệnh danh là “Địa Trung Hải của Việt Nam”. Điểm du lịch này nằm gần với những sa mạc cát của Phan Rang rất nóng nhưng lại có núi non, biển cả...
Khi đứng trên những mỏm đá trông ra biển, trông Cổ Thạch như một “Địa Trung Hải” thu nhỏ. Những ngôi nhà, kiến trúc khu du lịch dọc theo triền đồi, chia thành từng cấp chạy dài xuống biển.
Biển Cổ Thạch trong lành bên những tảng đá như bầy cá sấu hướng ra biển lớn.
Nơi đứng ngắm biển đẹp nhất ở đây là Cổ Thạch Tự (hay còn gọi là Chùa Hang theo cách gọi dân gian vì có nhiều hang động). Ngôi chùa cổ kính và uy nghi. Theo những người dân địa phương, ngày nào cũng có khách du lịch đến đây chiêm bái và vãn cảnh chùa. Theo các tài liệu ghi lại: tiền thân ngôi chùa này là cái am nhỏ trên ngọn núi, cao khoảng 60 mét so với mực nước biển do Thiền sư Bảo Tạng thuộc đời thứ 40 của Thiền phái Lâm Tế xây dựng vào khoảng năm 1835. Sau này, chùa được đầu tư xây dựng và nhiều lần trùng tu với nhiều không gian thờ cúng xung quanh ngôi chánh điện. Leo lên những bậc thang dẫn vào ngôi chánh điện, khách du lich như đi trong khu rừng mênh mông cây lá mát rượi. Điều thú vị ở quần thể kiến trúc chùa Cổ Thạch là những ngôi thờ nhỏ nằm trong những hốc đá, đủ cho vài người vào bên trong chiêm bái. Mỗi ngôi thờ một vị Phật, thần linh khác nhau, trải rộng trên diện tích hơn 4ha. Từ chánh điện, khách du lich đi vòng quanh triền núi lần lượt đến những ngôi thờ này. Có đoạn khách du lịch phải lách mình qua hốc đá. Được biết, Cổ Thạch Tự từng nuôi chứa các chiến sĩ cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ nên hiện nay chùa có một gian thờ hương hồn các chiến sĩ đã hy sinh. Đến chiêm bái Phật, ai cũng không quên thắp một nén nhang và dành phút mặc niệm trước bàn thờ liệt sĩ... Chùa lưu giữ nhiều giá trị văn hóa và gắn với lịch sử cách mạng nên đã được xếp hạng Di tích thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 1993.
Người dân địa phương rất thân thiện, nhiệt tình chỉ dẫn khách du lich hướng tham quan mà không chèo kéo mua hàng. Những đứa trẻ bản địa tỏ ra rất lanh lợi và hiếu khách. Chúng đón khách từ bãi đỗ xe và tình nguyện làm hướng dẫn tham quan suốt tuyến mà không đòi tiền thù lao.
Chùa Cổ Thạch ẩn mình dưới vòm cây.
Theo chân những hướng dẫn viên nhí, chúng tôi đi khắp các hang động, vào bên trong các ngôi thờ... chỉ mất khoảng hai giờ vừa đi bộ vừa chiêm ngưỡng phong cảnh, tìm hiểu... Từ gian thờ này qua gian thờ khác, những công trình kiến trúc tín ngưỡng hài hòa với thiên nhiên, nằm ẩn mình dưới tán cây, bên gốc cổ thụ... tạo nên không gian hư hư thật thật. Nếu đi tham quan vào sáng sớm, sương mù giăng trên triền núi trông Cổ Thạch như chốn thần tiên. Khách đến đây không chỉ là những phật tử mà còn có rất nhiều khách du lịch yêu thích thiên nhiên và nhiều tay săn ảnh... Phong cảnh hữu tình của Cổ Thạch nhìn từ mọi vị trí đều đẹp. Từ những mỏm đá nhô ra ở lưng chừng núi, khách du lich có thể nhìn bao quát không gian mênh mông của biển cả. Thú vị nhất là nhìn xuống bãi biển Cổ Thạch, nhô ra nhiều bãi đá lộ thiên trên cát. Đó là những tảng đá lớn nhỏ với nhiều hình dáng kỳ lạ khơi gợi trí tưởng tượng đến hàng nghìn con cá sấu, quay ra hướng biển. Vì vậy, bãi đá này còn được gọi là bãi Cá Sấu. Nước biển Cổ Thạch có màu xanh ngọc bích trong vắt. Bãi tắm nằm trong vịnh nhỏ hình cánh cung êm đềm và hiền hòa, thoai thoải, ra xa bờ hàng chục mét, mực nước chỉ cao hơn một mét. Từ trưa đến chiều, biển Cổ Thạch tấp nập người.
Ngắm cảnh, tắm biển chán, khách du lich bắt đầu đi dọc bãi biển để... lượm sỏi. Bãi sỏi Cổ Thạch là một trong những bãi sỏi màu hiếm có của Việt Nam nằm trải dài hơn một cây số theo hình cánh cung dọc bờ biển. Trữ lượng sỏi màu ở đây rất lớn, có những đoạn sỏi dày hơn 1 mét. Sỏi ở đây đều và nhẵn bóng do sự bào mòn của sóng biển trong suốt một thời gian dài. Đã có người tìm được những viên đá đẹp, có giá trị lớn, như: Viên đá có hoa văn hình bản đồ Việt Nam, hình cánh buồm giông ra biển... được trả giá hàng ngàn đô la. Ai đến đây cũng dành vài mươi phút bước trên sỏi và nhặt vài viên mang về làm kỷ niệm.
Giá cả dịch vụ ở đây phải chăng nên được nhiều khách du lịch chọn làm điểm dừng chân. Dưới chân núi Cổ Thạch có làng du lịch xinh xắn với những ngôi nhà sàn làm bằng gỗ lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển. Gió lộng quanh năm, khách du lich không phải dùng đến máy lạnh hay quạt máy. Phong cảnh hữu tình, tiện nghi nơi đây có thể so sánh với resort xếp hạng sao nhưng giá bình dân, thật lý tưởng cho khách du lich: giá phòng 1-3 giường dao động từ 150.000 đến dưới 300.000 đồng/đêm. Nhiều khách du lịch trẻ lại chọn ngủ lều để cắm trại bãi biển, với 100.000 đồng/lều 2-4 người/đêm. Riêng phòng nghỉ dọc bãi biển của người dân địa phương chỉ khoảng 20.000-30.000 đồng/người là có chỗ ngủ qua đêm.
Từ TPHCM hoặc Phan Thiết (Bình Thuận) có xe khách đến Cổ Thạch. Khách du lịch có thể tự thiết kế tour bằng phương tiện công cộng hoặc bằng xe gắn máy vừa tiện lợi vừa có thể dừng bất kỳ chỗ nào mình muốn. Đi theo nhóm, khách du lich có thể thiết kế tour dọc bờ biển Bình Thuận từ La Gi, Khe Gà rồi ra Mũi Né trước khi đến Cổ Thạch. Biển dọc tuyến này rất tuyệt vời, nhiều nơi còn hoang sơ và thân thiện...