“Sáng mở mắt, nhìn đồng hồ đã hơn 12h trưa, tôi giật mình bật dậy, người ê ẩm, bụng sột soạt kêu lên vì đói, tôi đã vừa trải qua một chuyến đi đáng nhớ nhất của bản thân, cứ như là mới kết thúc chuyến đi vậy, giờ này hôm qua tôi đang ở trên đỉnh Thạch Bàn – đỉnh núi thứ 2 nằm chính giữa 3 ngọn Tam Đảo mù sương cao hơn 1400m” – Nhớ lại chuyến đi mà thấy là lạ! Sau hơn 6 tiếng đồng hồ nỗ lực, vượt qua tổng độ cao hơn 4000m, đường đi hiểm trở, với những vách đá nghiêng tới 90 độ, những đoạn đường rừng trơn trượt, vắt cắn, thiếu lương thực và nước uống, chúng tôi đã đặt chân lên mục tiêu cuối cùng là đỉnh Phù Nghĩa cao 1375m, nhìn lại chặng đường mà chẳng thể tin!
Có bao giờ bạn tự đặt mình trong trường hợp mình là một người lãnh đạo và mọi thành viên đều trông chờ vào quyết định của bạn chưa? Tinh thần của nhóm được vực dậy hay dìm xuống là do quyết định của bạn đấy! Vì vậy, là một người đóng vai trò đầu tầu gương mẫu, cái suy nghĩ giữ chắc bánh lái để "lái" đội mình đến đích trong suốt một chặng đường gian nan như thế với tôi quả là khó, thực sự là khó.
Tôi có nghe nói, đây không phải là chuyến đi đầu tiên tổ chức cho thầy trò trường Đại học Thủy Lợi, đã có 2 lần trước đó là tổ chức cho các thầy cô trong trường, một cảm nhận chung đó là chinh phục 3 đỉnh núi không hề đơn giản, rất nhiều người đã bỏ cuộc giữa đường nhưng bài học mà mỗi người nhận được thì vô cùng quý giá. Nhớ lại chuyến đi:
Chinh phục thử thách thực sự!Nhóm chúng tôi có 18 người tất cả, điểm xuất phát là cổng trường Đại học Thủy Lợi lúc còn chưa rõ mặt người. Vượt qua hơn 60km theo hướng đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài hướng về Vĩnh Yên Vĩnh Phúc, Tam Đảo là một thị trấn trên cao, với dân số khoảng …500 người sinh sống.
Tam Đảo do 3 đỉnh núi cao nhất hợp thành: núi Thạch Bàn nằm chính giữa với độ cao hơn 1400m, núi Thiên Thị cao 1252m và núi Phù Nghĩa cao 1375m.
Gần 9h sáng, chúng tôi đã có mặt tại thị trấn nhỏ Tam Đảo, một số bạn bị say xe nhưng dường như lấy lại sức lực rất nhanh cũng bởi cái không khí trong lành nơi đây, có được điều này là do Tam Đảo có hệ thống rừng nguyên sinh khá rộng lớn, công việc đầu tiên của cả nhóm là phân công nhiệm vụ, phân phối lương thực và nước uống cũng như chuẩn bị hành trang leo núi cho chu đáo, đây cũng là khâu rất quan trọng mà ai cũng phải chuẩn bị thật tốt để tiến vào hành trình khám phá đầy thú vị.
Cả nhóm được khởi động bằng 2km đi bộ tiến tới bìa rừng, và theo thông lệ cả đoàn phải quỳ xuống lạy thần núi – Đây là một lễ nghi rất quen thuộc với những người leo núi những mong thần núi bảo vệ và che chở cho tất cả trong suốt hành trình.
Khoảng 9h30, cả đoàn bắt đầu hành trình tiến vào con đường lên đỉnh Thiên Thị, bất ngờ, trưởng đoàn là thầy Lê Anh dẫn đoàn rẽ sang một con đường nhỏ xuyên qua một lùm cây, nếu như không để ý cũng khó mà nhận ra con đường nhỏ đó. Chặng một này, chúng tôi đã được thông báo là chặng dễ đi nhất nhưng lại dài nhất do có khá nhiều đoạn đường thoải nghiêng nhưng cũng không ít những vách đá nghiêng hơn 70 độ, lúc đầu cả đoàn khá hào hứng nên tốc độ đạt được là tương đối nhanh, tuy nhiên chỉ 30 phút sau mọi người đã cảm thấy thấm mệt – Điều này là điều dễ hiểu với những người lần đầu leo núi, thêm một trở ngại là đường khá trơn do khoảng 1 tuần trước có mưa lớn nên đến giờ đường vẫn còn khá ẩm ướt, đây cũng là điều kiện rất lý tưởng cho lũ vắt hoành hành. Quần áo lấm lem do nhiều lần trượt ngã, cả nhóm vẫn rất hào hứng, nhóm bắt đầu chia thành các tốp nhỏ trợ giúp nhau.
Tôi cùng 2 bạn đang đảm nhiệm việc đi cuối trợ giúp 2 thành viên nữ đang tỏ vẻ đuối sức không theo kịp đoàn, điều này cũng có đôi chút ảnh hưởng đến tốc độ của cả đoàn, dường như không thể theo kịp đoàn, một thành viên đã bỏ cuộc thật đáng tiếc tuy nhiên cũng không ai cảm thấy ngạc nhiên lắm do tất cả cũng đã được trưởng nhóm chia sẻ về tính chất chuyến đi từ trước đó.
Khoảng hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ, vượt qua một chặng đường khá dài trơn trượt, những vách núi hiểm trở, chúng tôi đã đặt chân lên độ cao 1252m của đỉnh Thiên Thị, chân mỏi nhừ nhưng tất cả nhìn nhau sung sướng tột cùng, chúng tôi đã vừa cùng nhau vượt qua một khó khăn lớn. Tất cả ngoài sự quyết tâm và nỗ lực của mỗi người còn có sự trợ giúp của tinh thần đồng đội nên luôn cảm thấy yên lòng và như được tiếp thêm sức mạnh vượt qua khó khắn và về đích. Chúng tôi tiếp tục bước vào thử thách tiếp theo, hướng tới đỉnh cao nhất, đỉnh Thạch Bàn.
Vượt qua chặng một, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm hơn, đã quen hơn với không khí nên mọi người phân phối sức tốt hơn, tốc độ đảm bảo hơn so với chặng một, không ai còn có ý định bỏ cuộc, thay vào đấy là sự hào hứng chinh phục tiếp 2 đỉnh còn lại. Chặng di chuyển từ đỉnh 1 sang đỉnh 2 theo hình võng, chặng này có nhiều hơn những vách đá dựng đứng, độ nguy hiểm tăng lên, nhóm trưởng liên tục nhắc nhở các thành viên trong đoàn cẩn thận từng bước đi của mình.
Những nhà leo núi nghiệp dư lần đầu bị thử thách với một hành trình leo núi thật sự, chưa quen nên ở 2 chặng đầu cả đoàn tiêu tốn khá nhiều nước uống và lương thực hơn mức cho phép và đây cũng là yếu tố tạo nên một tình huống khá thú vị ở chặng 3 của chuyến đi. Trên chuyến đi chúng tôi gặp khá nhiều những đoàn leo núi, đa số họ là các doanh nhân, những quan chức hay cả nhân viên có mức sống khá giả, họ tìm tới đây để giải trí và nghỉ ngơi, nhưng thường là chặng đường của họ lên tới đỉnh 2 là kết thúc.
Khoảng gần 13h chúng tôi đã lên tới đỉnh Thạch Bàn. Lúc này đã giữa trưa, tuy nhiên chúng tôi gặp một hình tượng hùng vỹ, đẹp vô cùng, đỉnh núi chúng tôi đang đứng được che phủ bởi lớp sương dày, khi đứng ở đỉnh 1 nhìn sang thì đỉnh 2 như được chạm tới mây. Chúng tôi dướng cái nhìn sang đỉnh 3, nó thoát ẩn thoắt hiện tỏ vẻ rất kỳ bí. Đỉnh Phù Nghĩa như chúng tôi được biết có rất hiếm người qua lại, nó gần như hoang vu, chặng đường lên đó cũng rất hiểm trở men theo vực sâu.
Chặng 3 rất hiểm trở, không còn những đường mòn được tạo ra bởi rất hiếm người qua đây, theo kinh nghiệm của nhóm trưởng, đi men theo vực, dao được sử dụng để phát quan cây chắn đường, chúng tôi bẻ những cành cây nhỏ chỉ theo hướng di chuyển để đánh dấu đường đi tránh bị lạc, xuống đến khoảng võng nối giữa 2 đỉnh Thạch Bàn và Phù Nghĩa, lúc này đã là khoảng 14h30, lương thực và nước uống không còn nhiều, thời gian như vậy là đã vượt quá chỉ tiêu, điều đó có nghĩa là khi trở về sẽ là rất muộn, hơn nữa trong rừng, không bắt được sóng điện thoại, khả năng bị lạc ở chặng 3 rất cao, sau một hồi cả nhóm cùng bàn luận quyết định xem có nên tiếp tục chặng đường, sự tiếc nuối và lo lắng đã bắt đầu hiện hữu trên khuôn mặt các thành viên. Quyết định cuối cùng đã được đưa ra, chúng tôi động viên và thể hiện sự quyết tâm tiếp tục vượt qua chặng đường còn lại, nước uống và lương thực được chia sẻ, để lại vị trí một phần lớn số còn lại để dành cho chặng đường quay trở lại, khó khăn và hiểm trở tương tự.
Gần 16h, chúng tôi vui sướng khôn siết, chúng tôi đã chinh phục được mục tiêu cuối cùng, mọi người rất mệt, một số bị căng cơ chân, nhưng không nói cũng biết được niềm vui của cả đoàn, chúng tôi đã vượt qua cái khó khăn mà trước chuyến đi rất nhiều người nghĩ sẽ không làm được. Nghỉ ngơi khoảng 15 phút, cả đoàn nhanh chóng lên đường quay về, chỉ có một con đường duy nhất quay trở về đó là con đường chúng tôi đã đi.
Chặng cuối cùng để về nhà là chặng dài nhất từ đỉnh môt về nhà, lúc này đã khoảng 19h30, trời tối om không nhìn thấy người, chúng tôi đi sát nhau, tôi đi đầu cầm đèn pin tìm đường đồng thời chiếu đèn cho đoàn đi phía sau, đi đầu mà trời rất tối nên tôi bị trượt ngã rất nhiều lần, phần vì đế giày đã nhẵn nhụi. Lúc này đã quá mệt, nhưng tất cả đã cùng hát để xoa đi nối nhớ nhà, cả sự sợ hãi, những lời động viên và giúp đỡ nhau của các thành viên lúc này thật đẹp và ý nghĩa vô cùng.
20h30 chúng tôi nhìn thấy ánh đèn của chiếc xe 24 chỗ quen thuộc, niềm vui như vỡ òa, mọi người ôm nhau mừng rỡ, chúng tôi sắp được về nhà, chúng tôi vừa chiến thắng chính bản thân mình. Ai trong số chúng tôi cũng hiểu được kinh nghiệm về cách chuẩn bị, lên kế hoạch cho chuyến đi, cách leo núi, leo thế nào cho nhanh, cho an toàn và giữ sức khi về là quan trọng thế nào.
Học qua trải nghiệm!“Sáng mở mắt, nhìn đồng hồ đã hơn 12h trưa, tôi giật mình bật dậy, người ê ẩm, bụng sột soạt kêu lên vì đói, tôi đã vừa trải qua một chuyến đi đáng nhớ nhất của bản thân, cứ như là mới kết thúc chuyến đi vậy, giờ này hôm qua tôi đang ở trên đỉnh Thạch Bàn – đỉnh núi thứ 2 nằm chính giữa 3 ngọn Tam Đảo mù sương cao hơn 1400m” – Nhớ lại chuyến đi mà thấy là lạ! Sau hơn 6 tiếng đồng hồ nỗ lực, vượt qua tổng độ cao hơn 4000m, đường đi hiểm trở, với những vách đá nghiêng tới 90 độ, những đoạn đường rừng trơn trượt, vắt cắn, thiếu lương thực và nước uống, chúng tôi đã đặt chân lên mục tiêu cuối cùng là đỉnh Phù Nghĩa cao 1375m, nhìn lại chặng đường mà chẳng thể tin!
Giờ tôi mới thấm thía, thì ra, mục tiêu của chuyến đi không đơn giản là chinh phục 3 ngọn núi, mà cái mục tiêu lớn hơn nữa là chúng tôi phải biết cách chinh phục những khó khăn thử thách lớn hơn, khó hơn trong cuộc sống sau này, hoàn hiện hơn những kỹ năng cho bản thân. Bởi cuộc sống đâu chỉ là những chuỗi ngày êm đẹp, đâu chỉ là những con đường phẳng lặng bình yên, mà luôn có những chông gai thử thách, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực của mỗi người và không những thế còn có sự trợ giúp đắc lực của những kinh nghiệm thực tế mà mỗi người tích góp được trong cuộc sống của mình.