Bãi đá cổ ở Sa Pa đang mở ra cho huyện vùng cao này một lợi thế về du lịch, bởi lẽ nó luôn hấp dẫn khách tham quan đến tìm hiểu...Tôi nhớ mãi lời Hầu A Lềnh - người Mông, vị Chủ tịch huyện Sa Pa trẻ mới ngoài ba mươi tuổi, là Ủy viên dự khuyết T.Ư Ðảng khóa X, bộc bạch: - Thật là may mắn và hạnh phúc cho nhân dân nhiều dân tộc huyện Sa Pa vì được thừa hưởng một kho tàng vô giá về văn hóa của cha ông từ ngàn xưa để lại.
Nhưng, dù sao đi nữa, bãi đá cổ này đã và đang mở ra cho huyện Sa Pa một lợi thế về du lịch, bởi lẽ nó luôn hấp dẫn khách tham quan đến tìm hiểu...
Tiếp câu chuyện một cách sôi nổi, Bí thư Huyện ủy Sa Pa Ma Quang Tuynói giọng chắc nịch:
- Lâu nay chúng ta thường nói về bốn nghìn năm văn hiến... Ðó là cái mốc thời gian ghi nhận sự tồn tại những giá trị văn hóa Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước. Song, để hình thành nên những giá trị văn hóa của mình, nhân dân Việt Nam đã phải trải qua một quãng thời gian dài đến với văn minh, và nền văn minh ấy đã nảy sinh tại chỗ. Ðiều này được chứng minh ngay tại mảnh đất Sa Pa, trên nhiều tảng đá, những ghi chép kia là một chứng cứ về nền văn minh bản địa, do chính bàn tay và khối óc của những người Việt cổ sáng tạo và khắc họa nên.
-Có lẽ không có nơi nào ở đất nước ta lại có nhiều đá có hồn như bãi đá cổ Mường Hoa - Sa Pa.
-Bãi đá cổ Mường Hoa chạy dài từ xã Lao Chải qua Tả Van, bản Pho đến Hầu Thào. Bãi có khoảng hơn 200 hòn, to nhất hơn 10 m, nhỏ nhất chừng 1 m. Mỗi hòn đều được chạm khắc với những nét hết sức kỳ bí, lạ thường. Do vậy mà những tảng đá này đã làm người ta cảm như đâu đó vẫn còn phập phồng hơi thở của người xưa. Và rằng, những tảng đá ấy đã ẩn chứa cả một quá khứ huy hoàng của những con người của nước Việt cổ đại. Và thế, mãi mãi nó nguyên vẹn là bãi đá cổ có hồn.
-Những hình chạm khắc ở bãi đá cổ Mường Hoa, với hàng trăm bức thư đá đó quả thực là bí ẩn gợi mở tư duy với người xem. Có bức vẽ lại cảnh ruộng nước, với những thửa ruộng bậc thang để trồng lúa, rồi những nương ngô hay nương trồng hoa màu; có bức thì khắc họa điểm cư trú của cư dân với những chiếc nhà sàn mái cong... Nhiều hơn cả vẫn là những khắc họa về hình tượng con người và những đường nét tuy đơn giản, cụ thể nhưng đã thể hiện quan niệm về sự duy trì nòi giống của người xưa. Trong sự miêu tả về con người còn có rất nhiều hình chạm khắc khác thể hiện về các trận chiến về sở chỉ huy, có người đứng đầu và các chiến binh...
-Tại bãi đá cổ Mường Hoa, điều làm nhiều nhà nghiên cứu dành rất nhiều thời gian để cố gắng tìm câu trả lời là những ký hiệu mang hình dạng văn tự (chữ viết)? Sự xuất hiện những mẫu văn tự lạ trên những tảng đá gần rừng cấm ở Hầu Thào là chưa từng thấy. Ngay từ thập niên của đầu thế kỷ 20 (năm 1925), khi phát hiện ra bãi đá cổ này, Vích-to Gô-lơ-bơ - nhà khảo cổ học thuộc Viện Viễn Ðông Bác cổ nhận xét: - Những "sơ đồ" này thuộc cả lĩnh vực tranh ảnh học và văn khắc học.
-Gần một thế kỷ sau (10-2005), nhà nghiên cứu Phi-lip Lơ-phai-lơ thuộc tổ chức EFEO đã cùng với Sở Văn hóa tỉnh Lào Cai phối hợp nghiên cứu và đưa ra nhận xét: Những tảng đá khắc này là loại đá quaczit, có thể rộng hơn 10 m... cho thấy rõ ràng những dấu vết khắc chữ... với một loạt những chữ giống như chữ Hán, nhưng không phải chữ Hán, cỡ chừng 10 cm.
-Nhận xét của Phi-lip Lơ-phai-lơ khiến ta nhớ chuyện Vua Nghiêu (2353 trước Công nguyên) khi có người Việt Thường từ phương Nam đến chầu rồi dâng một con Rùa lớn sống ngàn năm, vuông non 3 thước, trên mai khắc chữ khoa đầu ghi chuyện thời mở đất. Vua Nghiêu qua hai lần thông dịch đã vô cùng ngạc nhiên và bảo: Chữ này trông khác hẳn chữ Hán mà sao nét chữ lại như "con nòng nọc" vậy? Vua sai chép lại và cho phiên dịch ra tiếng phương Bắc để ghi lại những chuyện của nước Việt Thường từ thời mở đất...
-Lời nhận xét của Vua Nghiêu bên nước Trung Quốc xưa về kiểu chữ giống như con nòng nọc, đến nay đã cả mấy nghìn năm. Lúc đó những người Việt Thường không biết cách bộc lộ về sự xuất xứ của chữ giống như con nòng nọc ấy của mình. Còn ngày nay, bằng nghiên cứu khoa học đã hiểu kiểu chữ này có nguồn từ những tảng đá ở thung lũng Mường Hoa. Ông Vích-to Gô-lơ-bơ từng nhận định: Ðây là văn khắc học, nghĩa là, nó là chữ chứ không phải bất cứ ký hiệu gì khác, những ký tự này thật thiêng liêng mang hồn phách của dân tộc và thấm sâu vào từng tảng đá kia ở Sa Pa. Dù vài nghìn năm hay vài chục nghìn năm nó vẫn mãi là ánh hào quang lung linh tỏa sáng. Về mặt lịch sử, đó là dấu ấn về một nền văn minh của người Việt cổ.