Ngay từ đầu tháng 4, tại những địa phương ở Nam bộ, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, không khí chuẩn bị Tết cổ truyền Chol Chnam Thmây đã rất nhộn nhịp.
Năm theo lịch Khmer kết thúc vào cuối tháng 12 (âm lịch), nhưng Tết mừng năm mới thì lại diễn ra vào tháng 6 (âm lịch Khmer) tức 14 - 16/4 (dương lịch). Theo tập quán của cư dân nông nghiệp sản xuất lúa một vụ trước đây, tháng 12 người dân còn tất bật với mùa vụ, đến trung tuần tháng 4, khi lúa khô đã quây thành bồ, người nông dân có thể nghỉ ngơi thoải mái sau những tháng vất vả chăm bẵm cây lúa. Thời gian này cũng là giao điểm của 2 mùa mưa - nắng, những cơn mưa đầu mùa bắt đầu trả lại sức sống dồi dào cho cây cỏ, vạn vật. Vì vậy, với người Khmer, trung tuần tháng 4 được coi là sự khởi đầu của năm mới và Chol Chnam Thmây là lễ “Vào năm mới”.
Về thời khắc giao thừa, người Khmer cũng tính khác người Kinh và người Hoa. Theo đó, mỗi năm, giờ khắc thiêng liêng này lại dịch chuyển để hoàn thành chu kỳ 365 và 1/4 ngày. Hòa thượng Đào Như – Trưởng Ban trị sự Thành hội Phật giáo yêu nước thành phố Cần Thơ cho biết: “Lịch của người Khmer có sự thay đổi giờ rước chư thiên có khi là sáng, trưa, chiều, khuya. Ngày 14/4, lúc 1giờ 36 phút, nhà chùa ở các nơi có bàn thờ ở giữ sân chùa thắp nhang nhớ ơn năm cũ, tiếp chư thiên năm mới”.
Điểm đặc biệt trong văn hóa đón Tết của người Khmer là mọi nghi thức quan trọng hầu hết đều diễn ra ở chùa khiến không khí hội xuân luôn náo nhiệt và mang tính cộng đồng cao. Với từng hộ dân, cuộc sống có thể khó khăn, nhà cửa có thể tạm bợ, lễ vật sắm tết có thể đơn sơ, nhưng dưới mái nhà chung là ngôi chùa thì lòng thành kính hướng Phật, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, niềm vui và nguồn hy vọng về một năm mới tốt đẹp là ngang nhau.
Từ trước Tết nửa tháng, người dân quanh các điểm chùa đã tự nguyện góp công, góp của tu bổ, trang trí cảnh quan chùa cho thật đẹp mắt. Người ta sơn son, thếp vàng từng hoa văn, tượng Phật, cổng chào, dọn dẹp khuôn viên sẵn sàng tiếp khách đến dự hội. Ba ngày lễ chính thức được tiến hành trong không khí vui vẻ, hào hứng của cả cộng đồng. Mỗi ngày đều có những hoạt động nghi thức mang tính lễ hội khác nhau.
Ngày thứ nhất đoàn người mang nhang đèn, hoa quả cùng nhau rước Đại Nông lịch quanh chánh điện rồi vào lễ Phật, đọc kinh mừng năm mới. Ngày thứ hai, Phật tử cùng dâng cơm cho các vị sư và đắp núi cát. Các sư thì đọc kinh cầu siêu cho người đã mất và cầu an cho người đang sống. Ngày thứ ba là lễ tắm tượng Phật và tắm các vị sư cao niên. Trong đó, vui nhất là tục đắp núi cát. Người dân đắp 8 núi bằng đất hoặc cát theo 8 hướng và 1 núi ở trung tâm của mỗi ngôi chùa. Trên núi người ta đặt lễ vật mang theo để cúng ông bà, tổ tiên, chư thần thường là lúa gạo và các nông sản cây nhà lá vườn, số lượng tùy tâm.
Đến vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống vào khoảng 2 ngày trước lễ hội, du khách sẽ nghe tiếng chày giã nếp và thoảng trong gió sớm thơm lừng mùi bánh tét, bánh ít, bánh nếp cổ truyền. Chị Đào Thị Vàng ở ấp Định Mỹ, xã Định Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ cho biết: “Hôm đó mình đi chùa tắm Đức Phật, mình mang lúa, gạo, tiền bạc, mình ăn gì thì ông bà mình có cái đó. Không thể thiếu 1 cặp bánh tét và một sấp vải trắng để cầu siêu gởi cho ông bà mình dùng”.
Tết của người Khmer không đơn thuần chỉ là tập tục đón chào năm mới, mỗi hoạt động đều gắn với những truyền thuyết mang đậm yếu tố tâm linh và khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, bình đẳng, hướng thiện. Truyền thuyết về cậu bé Thom Ma Bal có tài thuyết giảng thắng cả vị thần tài giỏi nhất trên thượng giới nên người dân đến chùa nghe Phật pháp vào dịp kỷ niệm thần Ka Bưl Ma Ha Prum tự sát được coi là sự tích của lễ Chol Chnam Thmây.
Vị trí các núi cát trong dịp lễ tượng trưng cho vũ trụ mà trái đất là trung tâm. Gốc tích của việc đắp cát xuất phát từ câu chuyện về người thợ săn gây nhiều tội với muông thú, nhờ ma quỷ không đếm hết được phúc duyên đắp núi cát của ông mà giữ được tính mạng đến cuối đời. Nước ướp hương thơm tắm Phật, tắm các vị sự cao niên và ông bà là để tẩy rửa mọi nhọc nhằm, bụi bẩn năm cũ và dâng tặng quần áo mới do con cháu chúc thọ…
Từ trong sinh hoạt cộng đồng, ý nghĩa của phong tục được truyền dạy cho thế hệ trẻ lưu giữ và trở thành nét đẹp văn hóa riêng đặc trưng của tộc người Khmer Nam bộ. Hòa thượng Đào Như cho biết: “Khi tập trung đám trẻ, mình cũng nhân cơ hội đó để giảng cho các em, các cháu nó hiểu để có ý thức lưu giữ tập tục của cha ông”.
Thời gian này, những ngôi chùa Khmer Nam bộ đang trở nên rực rỡ và náo nhiệt hơn bao giờ hết, tỏa sức hút vẫy gọi bước chân du khách gần xa. Tết của đồng bào Khmer góp phần đáng kể tôn thêm vẻ đẹp phong phú trong bản sắc chung của cả cộng đồng người Việt Nam./.