Nhiều khu vực bị cô lập do mưa lũ (ảnh: Đại Dương)
Thừa Thiên- Huế: Sông Ô Lâu hiện đang vượt báo động 3 là 0,62 m khiến hàng ngàn nhà dân ở hai bên bờ thuộc huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) và huyện hải Lăng (Quảng Trị) sát đó đang bị nước lũ nhấn chìm.
Tuyến đường quốc lộ 49B qua huyện Phong Điền ngập rất nặng, nhiều đoạn đường thuộc tỉnh lộ 6, 17, 4B, 8A, 8B tại Phong Điền đã ngập nặng từ 0,5-1m, chia cắt hàng ngàn hộ dân thuộc xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Phong Mỹ với bên ngoài.
Thống kê của UBND huyện Phong Điền, hiện đang có 1.720 ngôi nhà bị ngập bình quân 0,4m. Riêng khu vực ven sông xã Phong Mỹ bị sạt lở nặng làm hàng trăm hộ dân bị đe dọa.
Phương tiện duy nhất là sử dụng thuyền để đi lại
Theo ông Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh đã chỉ đạo người dân trong vùng bị cô lập giữ tính mạng và tài sản an toàn; đồng thời 3 cấp thôn, xã, huyện cùng dự trữ lương thực giúp dân. Nếu sau 5 ngày nước vẫn còn ngập nặng thì huyện sẽ xin viện trợ của tỉnh để cứu dân.
Nhiều điểm sạt lở “chết người” trên quốc lộ 49: Do mưa lớn và nước lũ đổ về trong những ngày qua cộng với việc khai thác cát sạn ồ ạt tại sông Hương, đoạn quốc lộ 49A đi qua xã Thủy Bằng, Thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế đã bị sạt lở nghiêm trọng với nhiều điểm nguy hiểm “chết người”.
Nhiểu điểm sạt lở nguy hiểm trên QL 49
Sáng 4/10, chúng tôi chứng kiến gần chục điểm sạt lở. Phần bờ đã bị khoét sâu bởi tác động của nước lũ làm đất, cát sạt lở tại nhiều đoạn. Có điểm, sạt ở ăn lên cả trên đường làm phần nhựa đường lở loét nhiều mảng. Thậm chí có những phần taluy dương bị ăn hết gốc, chỉ còn sót lại những mảng đất, cỏ bám vào, làm lộ những vực sâu ở dưới
Dù đã được rào lại với vài đoạn tre và dây thừng tạm cùng gắn biển báo “Nguy hiểm” nhưng xem ra, người đi ngang đây vẫn bị đe dọa, nhất là lúc tối trời nếu không chú ý có thể lọt xuống sông sâu bất cứ lúc nào. Hàng ngày, cả ngàn xe tải cỡ lớn, xe ô tô, xe máy đi qua lại đây làm những chỗ sạt lở trong vài ngày qua càng bị tác động nhiều hơn.
Tại Quảng Trị, mưa lớn trên diện rộng toàn tỉnh, cường suất lũ trên các sông lên nhanh đã gây ngập lụt trên diện rộng nhất là ở lưu vực sông Thạch Hãn, sông Hiếu và Ô Lâu - Thác Ma. Một số tuyến đường ở vùng thấp trũng trên địa bàn huyện Hải Lăng, Triệu Phong và vùng miền núi ở ĐaKrông, Hướng Hóa bị ngập sâu và chia cắt.
Nước lũ đang dâng cao
Có trên 5.500 hộ dân đã bị ngập lụt; lực lượng chức năng đã di dời 710 hộ dân từ các vùng ngập sâu, nguy hiểm đến nơi cao ráo, an toàn.
Đến chiều 4/10, trên địa bàn tỉnh đã có 3 người thiệt mạng do mưa lũ gây nên, cháu Nguyễn Thị Thu Ngân (sinh năm 2008 là con của ông Nguyễn Văn Nghị và bà Võ Thị Dung) quê ở thôn Lương Điền, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, do gia đình bất cẩn trong khi bận sắp xếp đồ đạc nên không chăm sóc dẫn đến em bé rơi xuống nước chết đuối; và 2 vợ chồng ông Lê Văn Tám và bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh tạm trú tại thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa. Nguyên nhân: do nước xói lở làm sập nhà gây chết người.
Ngoài ra còn có 2 người bị thương nặng ở xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, do nước xói lở làm sập nhà gây thương tích nặng, hiện đang điều trị ở bệnh viện.
Mưa lũ cũng làm quốc lộ 9 sạt lở nghiêm trọng, sụt taluy dương gây tắc đường ở km 51 và sụt taluy âm làm sạt lở tuyến quốc lộ này ở km 41+680.
Tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây từ Khe Sanh đi Chà Lỳ (Quảng Bình) bị sạt lở gây tắc đường ở 4 điểm, đoạn Đa Krông đi Tà Rụt bị sạt ở 14 vị trí.
Lãnh đạo UBND tỉnh và thường trực Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh cùng với các thành viên Ban Chỉ huy phụ trách địa bàn đã tổ chức 04 đoàn công tác trực tiếp về các địa bàn xung yếu để nắm bắt tình hình và chỉ đạo quyết liệt triển khai các phương án phòng, chống mưa, lũ lụt.
Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị còn tiếp tục lên, vượt qua mức báo động 3 khoảng 0,5m, cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập sâu ở vùng trũng, hạ lưu các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế .
Trước tình hình trên, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TƯ đã yêu cầu các địa phương đang xảy ra mưa lũ triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để tổ chức sơ tán dân để bảo đảm an toàn về người và tài sản.
Cùng đó, yêu cầu Tổng công ty Điện lực miền Bắc – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), triển khai ngay lực lượng xử lý đảm bảo an toàn đập thủy điện Hố Hô; duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu.
Theo báo cáo mới nhất từ EVN, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung và các đơn vị trực thuộc đã khẩn cấp triển khai hoạt động đối phó với mưa, lũ đảm bảo an toàn các đập thủy điện Hố Hô và các đập thủy điện khác trong vùng ảnh hưởng của mưa lũ; cử đoàn công tác của Tổng công ty Điện lực miền Bắc trực tiếp chỉ đạo lực lượng xử lý sự cố tràn đỉnh đập thủy điện Hố Hô.
Phạm Thanh