Ngày 15-10, chưa kịp gượng dậy sau đợt mưa lũ hồi đầu tháng 10, các tỉnh miền Trung lại có mưa to, nhiều nơi lũ đã tràn về, nguy cơ lũ chồng lũ đang đe dọa Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Tại Hà Tĩnh, lũ quét xuất hiện ở huyện Hương Sơn làm một người chết, hơn 1.500 ngôi nhà bị ngập. Nguyên nhân của đợt lũ quét này, theo ông Nguyễn Duy Trinh - chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, là do mưa lớn, đồi núi dốc. Hiện huyện có hơn 410ha lúa mùa, 1.200ha ngô còn sót lại sau đợt lũ vừa qua bị ngập trong cơn lũ
Đến 16g ngày 15-10, mực nước ở sông Ngàn Phố dâng cao trên mức báo động 2 là 0,48m, làm hơn 1.500 ngôi nhà thuộc huyện Huơng sơn
* Tại Quảng Bình, từ trưa 14 đến chiều tối 15-10 có mưa lớn do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường. Ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa - vùng vừa trải qua một đợt lũ lịch sử và được coi là rốn lũ của vùng núi Quảng Bình - đã có mưa vừa và mưa to khiến nước các sông suối dâng cao so với bình thường hơn 0,5m. Ông Nguyễn Ngọc Giai, chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống bão lụt tỉnh Quảng Bình, cho biết với tình hình mưa tiếp tục kéo dài như dự báo thì có thể từ ngày 16 đến 20-10, các sông lớn ở tỉnh như Kiến Giang, Gianh, Nhật Lệ... nước sẽ lên mức báo động 2 và 3.
* Tại Quảng Trị, một đợt mưa lớn dồn dập kèm theo gió mạnh bắt đầu từ đêm 14-10 đã khiến mực nước nhiều sông suối ở các huyện miền núi như Đakrông, Hướng Hóa tăng và chảy xiết. Ở các huyện vùng đồng bằng của tỉnh Quảng Trị cũng xảy ra những đợt mưa lớn. Mực nước trên các sông Bến Hải tại Gia Voong vượt báo động 1 là 42cm; sông Ô Lâu tại Hải Tân (Hải Lăng) cũng đã vượt báo động 1 là 12cm. Đến tối 15-10, mưa trên toàn tỉnh vẫn chưa ngớt.
* Tại Thừa Thiên - Huế, một người chết, bốn học sinh cùng một cô giáo bị thương nặng; hàng chục nhà bị sập và tốc mái hoàn toàn sau một cơn lốc xảy ra chiều 15-10 ở bản Hạ Long, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền. Bản này đang bị chia cắt, phải đi ghe máy mới đến được nơi bị lốc tàn phá. Dân cư bản Hạ Long chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, toàn bản có 83 hộ, khoảng 300 người, 90% nhà dân đều bị cơn lốc hủy hoại. “Nhà mình bị bay mái cả nhà trên lẫn nhà dưới, mấy chục ký gạo để dự trữ chừ ướt sạch cả” - bà Hồ Thị Đào, người dân tộc Pa Hy (bản Hạ Long), mếu máo nói.
Người tử nạn là cụ Trần Ngọc Me (80 tuổi). Nhà cụ Me sụp hoàn toàn.
* Đường Hồ Chí Minh nhánh tây đoạn qua các huyện Tuyên Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình) vẫn tiếp tục sạt lở nặng. Nặng nhất là địa phận xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), mặt đường bị ăn sâu vào hơn một nửa khiến giao thông ách tắc. Theo Công ty TNHH 483 (Quảng Bình) - đơn vị đang sửa chữa những đoạn đường hư hỏng, chỉ riêng 45km đi qua hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy đã có đến 98 điểm sạt lở. Ngoài ra, hiện đường Hồ Chí Minh bị sạt lở rất nặng tại khu vực A Đớt - A Tép (đoạn huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế vào huyện Tây Giang, Quảng Nam).
Một cơn bão cực mạnh tiến về biển Đông
* Miền Trung tiếp tục mưa to
Ngày 15-10, nhiều cơ quan dự báo khí tượng quốc tế cảnh báo một cơn bão cực mạnh có tên Megi hình thành trên khu vực tây bắc biển Thái Bình Dương đang tiến về biển Đông.
Bão Megi chủ yếu di chuyển theo hướng bắc tây bắc với vận tốc 15km/giờ. Dự báo ngày 16-10, bão Megi tiếp tục mạnh thêm thành siêu bão và tăng tốc di chuyển lên 20km/giờ. Trong khi đó, trang dự báo khí tượng của Hong Kong dự báo bão Megi sẽ đổ bộ vào khu vực phía bắc đảo Luzon (Philippines) trước khi vào biển Đông.
* Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong hai ngày qua tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-150mm, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa từ 150-200mm. Hiện mực nước trên các sông Kiến Giang, Vu Gia, Gianh... đang lên trên mức báo động 1, một số nơi xấp xỉ mức báo động 2.
Dự báo lũ trên các sông ở Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế có khả năng lên mức báo động 3; các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam lên mức báo động 2, riêng sông Cả tại Nam Đàn (Nghệ An) còn dưới mức báo động 1. Sau đó lũ các sông còn tiếp tục lên và ở mức cao.
Lội nước đưa tang học trò vùng lũ
Chiều 15-10, người dân xóm Cao Sơn, xã Sơn Thủy (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đứng lặng buồn bên đồi thông chứng kiến cảnh người thân và thầy cô, học sinh Trường THCS Mai Thủy lội nước lũ đưa tang em Đoàn Hiệp Đồng.
Khi tiếng trống trường chưa vang, thầy cô và học sinh Trường THCS Mai Thủy nhận tin dữ: em Đông bị nước lũ cuốn trôi. Thầy chủ nhiệm lớp 9D (lớp em Đông) Võ Văn Quang quần ống cao ống thấp chạy xe máy một mạch đến cống Cầu Đá (nơi em Đông gặp nạn), chỉ thấy một biển nước trắng xóa. Thầy đứng ngơ ngác, nước mắt cứ lăn trên hai gò má. “Tin em Đông bị nước lũ cuốn trôi làm lòng tôi đau như cắt. Đông là một học sinh khá của lớp” - thầy Quang nói.
Mưa lũ đã chia cắt đường vào xã Sơn Thủy nên chúng tôi phải đi đường vòng sau núi mất thêm hai giờ. Khi đến xóm Cao Sơn, nhiều người nói đám tang của em Đông đã đưa trong nước lũ rồi. Đám tang chỉ có tiếng trống đánh giữa biển nước nghe não lòng, rất đông thầy cô và học sinh đưa tang. Người đưa tang phải lội nước lũ gần 1km mới đến đồi thông, nơi an nghỉ của Đông.
Ngôi nhà ngói hai gian của bố mẹ Đông cũng nằm bên đồi thông, cách nơi an nghỉ của Đông chừng 2km. Nhà Đông có sáu anh chị em. Đông sinh đôi cùng em trai Đoàn Ngọc Chung. Bố mẹ Đông sáng sớm chiều hôm với cảnh đồng áng. “Lớn lên, thằng Đông và thằng Chung giống nhau như đúc. Áo quần đều mua giống nhau, đến khi đi học đòi nằng nặc học chung một lớp. Sáng nay, Đông đạp xe đi học sau Chung một vài phút thì bị cơ nhỡ như thế này” - ông Đoàn Quang Khiệu, bố của Đông, đứng lặng bên bàn thờ con nói giọng khàn khàn.
Nhận tin báo có học sinh bị nước lũ cuốn trôi, chính quyền xã Sơn Thủy tập trung người đến cống Cầu Đá để lặn tìm. Thấy nước lũ đang lên, ông Bùi Đình Kiên (bí thư xã) đã lao mình xuống dòng nước chảy xiết và cùng ngụp lặn. Sau hai giờ, khi mọi người mệt lả thì ở cuối dòng nước ông Kiên ngoi lên và la lớn tìm thấy thi thể em Đông rồi.
Khi về, chúng tôi ghé cống Cầu Đá. Nước vẫn chảy xiết, lòng lạnh ngắt, không sao quên được hình ảnh đưa tang cô giáo Trần Thị Hoa ở xã Hương Thủy (huyện Hương Khê) trong lũ. Chỉ chưa đầy ba tuần, ở Hà Tĩnh diễn ra hai cái chết thương tâm do mưa lũ, không biết rồi đây có bao nhiêu người lại chết vì mưa lũ.